Tôi ngả mũ kính phục người Nhật, phục ý chí quật cường của họ,
phục tinh thần thẳng thắn, trung thực và tinh thần trách nhiệm với xã hội. Tôi
ngả mũ trước Aya Kitou, một cô bé người Nhật tôi không thể gặp, ở xa tôi về cả
không gian và thời gian. (Cô bé mà còn sống, có lẽ tôi phải gọi bằng “bác Aya”
chứ không phải “cô bé Aya” nữa.)
25 tuổi, hơn 10 năm chống chọi
với căn bệnh thoái hóa tiểu não, Aya và những trang nhật ký của cô ấy là một nguồn
động viên mạnh mẽ đối với những người cùng căn bệnh, những người đang chống chọi
với bệnh tật và những người đang khỏe mạnh (vì chưa tìm thấy bệnh.)
Tôi cố gắng đặt mình trong
hoàn cảnh của Aya qua những trang nhật ký cô ấy viết, để thấu hiểu suy nghĩ và
cảm xúc của cô bé. Tôi bất chợt nhận ra rằng dù mình có cố gắng, mình vẫn không
thể chạm vào cảm xúc và suy nghĩ của cô ấy. Những nỗi lo sợ về cơ thể dần dần
vô dụng, sự dằn vặt và đau khổ, sự hoang mang, cảm giác đau đớn về thể xác, những
giấc mơ về tương lai thoát khỏi bệnh tật bị đè bẹp bởi hiện tại phũ phàng, cảm
giác yếu đuối, vô dụng, phải dựa vào người khác để tồn tại, nỗi tuyệt vọng xếp
dần lên theo năm tháng và niềm hi vọng cháy bỏng “Mình muốn được sống”.
10 năm, hơn 3000 ngày, cuộc sống
của cô đi từ một cô bé đã cố gắng thi đỗ một trường trung học công lập tốt, tràn
đầy sức sống, tươi cười, lanh lợi, sang một người phải sống trong trường dành
cho thiếu niên khuyết tật, ngồi xe lăn, và một người phải nằm ở nhà, chỉ có thể
giao tiếp bằng cử động ngón tay cái.
Aya có một quyển sách tổng hợp từ những trang nhật ký cô ấy
viết, được xuất bản trong thời gian cô đang đấu tranh với bệnh tật. Cô đã từng
hỏi mẹ “ Con sống để làm gì ?” trong những ngày tháng đau đớn.Tôi mong rằng cô
đã thấy bản thân mình, sự cố gắng tuyệt vời của mình đã tạo ra sự thay đổi mãnh
liệt đến cuộc sống của rất nhiều người. Có lẽ cô cũng đã mỉm cười, đã cảm thấy
bản thân mình có ích cho xã hội và người thân.
Khi tiếp xúc với ngưỡng cửa của sự sống và cái chết, người
ta sẽ hoảng sợ, sẽ hi vọng mình được sống tiếp và đấu tranh với bệnh tật. Có
người sẽ khỏe mạnh và tiếp tục sống, có người sẽ thua cuộc và chết. Có lẽ người
ta đều khóc trước khi chết, vì tiếc nuối cho những giấc mơ không còn có thể thực hiện được.
Aya là một cô gái may mắn. Sự đấu tranh của cô có nhiều người
cảm thông, không chỉ người thân, bác sĩ, bệnh nhân, bạn bè, thầy cô giáo mà còn
hàng triệu người không hề gặp cô chia sẻ với cô những cảm xúc, bật khóc khi thấy
cô tuyệt vọng, hạnh phúc khi thấy cô rút ra cho mình những bài học để sống tốt
hơn.
Còn có những người khác, những người mang bệnh tật trong
mình nhưng không thể chia sẻ, những người mà sự đấu tranh của họ hầu như chỉ
trong im lặng, những bài học của họ chắt chiu lại, gửi đến cho người khác với sự
tin tưởng và hi vọng. Ông tôi, bố tôi, thầy tôi là những người đàn ông mạnh mẽ
với sự im lặng của chính họ. Phụ nữ có thể khóc dễ dàng, còn họ, họ có khóc khi
nào không ?
*Một ngày nào đó, khi phát hiện ra mình không còn sống được
nhiều nữa, tôi sẽ làm gì?*
No comments:
Post a Comment