Sunday, September 16, 2012

Nhật ký những ngày học TOEFL (12)


Bài chữa lỗi sai ngày hôm qua nói về stress khi học Đại học. Những áp lực, căng thẳng, thất vọng, stress trong năm tháng học đại học thường xuất phát từ nguyên nhân về tài chính, về tình cảm, về điểm số. Những sinh viên tìm thuốc lá, đồ uống có cồn để giải tỏa áp lực.

Sinh viên Việt Nam cũng như họ thôi, cũng tìm đến những thứ khác để trốn tránh những khó khăn trước mắt. Chỉ có điều khác là sinh viên Mỹ có một nhóm người trong trường phụ trách chăm sóc sức khỏe tinh thần cho họ, nhiều trung tâm nghiên cứu hành động của họ, và nhiều nhà báo viết về họ. Ở Việt Nam thì sẽ là thế này này: “Cái gì, việc của sinh viên, sinh viên phải tự giải quyết chứ, sao lại hỏi chúng tôi?,” và “Thế trường đó có con nào/thằng nào tỏ tình hoành tráng không?.”

Khi đi học xa nhà, những khó khăn trong cuộc sống là điều tất lẽ dĩ ngẫu. Những khó khăn trong học tập thì càng tất nhiên hơn. Nếu không giải quyết, xử lý, đối đầu, vượt qua, sử dụng được những khó khăn đó thì mất toi công sức đi học rồi. Ôi, mà khó khăn thì lúc nào chẳng đầy rẫy trong học tập, công việc, quan hệ xã hội. Chạy trốn chúng nó thì dễ, đối đầu với chúng nó cũng dễ, đối đầu với chúng nó như thế nào mới khó.

Dương Thu Hương và Nguyễn Ngọc Tư đều là những nhà văn nữ đáng trân trọng. Giọng văn của hai cô khác nhau, cách sắp xếp ý của hai cô khác nhau, cách sử dụng từ ngữ cũng khác nhau, cách xây dựng nhân vật cũng khác nhau nốt. Dương Thu Hương dường như là một người phụ nữ đằm thắm, thích ngồi bên tách trà nghi ngút khói rồi suy nghĩ miên man về quá khứ. Nguyễn Ngọc Tư (hay là con người tác giả của cô ấy?) là một cô gái từng trải, hài hước, thông minh, và sâu sắc.

Văn học, nghệ thuật – the arts – một lĩnh vực đáng sợ. Sức cuốn hút của những bản nhạc cổ điển được viết bởi những nhà soạn nhạc tuyệt vời và được chỉ huy bởi những nhạc trưởng tài năng thật khó để cưỡng lại. Đứng trước chúng, mọi thứ âm nhạc khác đều trở thành nhạt nhẽo. Đọc những cuốn tiểu thuyết tuyệt vời của nhân loại cũng đồng nghĩa với việc vất tất cả những thứ văn học rởm đời vào sọt rác. Nghiên cứu về kiến trúc cũng có nghĩa là tạm biệt nhà ống, nhà chữ L,v..v. Ai chà, giờ thì mình cần người dạy cách “xem tranh.” Đáng tiếc là bác Leonardo da Vinci chết rồi.

Bài essay về quảng cáo mình viết chán thế mà được 7.4 . Hôm đó mình hét ầm nhà. Còn cả nhà thì đã được một bữa ăn kem tha hồ. Nhưng mà chắc là thầy thương và muốn động viên mình viết tiếp thôi. 

1 comment:

  1. Tranh là nghệ thuật, mà nghệ thuật, theo chị, chắc không cần ai chỉ dạy cho mình cách thưởng thức đâu, kakakak...phản ứng của mình đối với một tác phẩm nghệ thuật ví dụ như yêu/ghét hoặc không quan tâm chính là cách mình thưởng thức rồi còn gì :D Có điều khả năng thưởng thức không dừng lại mà sẽ thay đổi và trở nên phong phú cùng với tuổi đời, vốn sống và sự hiểu biết.

    ReplyDelete