Saturday, November 10, 2012

Nhật ký những ngày học TOEFL(21)

Tuần vừa rồi báo Vietnamnet có đưa tin về hiện tại lớp học VIP tồn tại trong trường công, một dạng lớp học được “xây dựng” từ túi tiền của các bậc phụ huynh có thu nhập cao hơn so với mức thu nhập trung bình của người dân Việt Nam. 


Lớp học VIP đó ngoài nội thất thay đổi, hay được thầy cô giáo tốt nhất trường ra, còn điều gì khác so với lớp học bình thường không?


Từ năm lớp 1 đến lớp 12, mình đều học các lớp chọn, hoặc trường. Lớp chọn, ngoài khoản tiền phải đóng không cao hoặc nội thất không đẹp như lớp VIP, có điểm chung với VIP là được những thầy cô giỏi trong trường dạy. Nhưng thật sự trong số hơn 100 người đã dạy mình trên lớp, không có một ai để lại trong mình ấn tượng sâu. Mỗi khi mình ra trường là “A lê hốp!” Tất cả những điều thầy cô truyền dạy bay sạch hết ra khỏi đầu. Ngày 20-11, thôi thì phải theo truyền thống đi đến nhà các thầy cô cùng các bạn, chứ mình thì ngán đến tận cổ.


Và khi học lớp chọn, bạn phải đối mặt với những điều sau:


  • Pressure. Áp lực học hành rất nặng nề. Có 50 đứa trẻ giống bạn, nhưng chỉ có khoảng 5 chỗ trống cho những cuộc thi Toán, Lý, Văn, Anh của toàn thành phố. Phải học để vào được “đội tuyển”, rồi phải trải qua những bài thi chọn lọc khác, và đi thi mà không có giải thưởng thì thật là nhục nhã. Áp lực từ thầy cô, bố mẹ, và đối thủ cạnh tranh thúc ép việc học đêm ngày, quên đi mất thực tại cuộc sống xã hội là gì.


  • Concentration. Các môn học khác ngoài các môn chính bị bỏ quên. Giọng hát của mình như vịt đực, và khả năng vẽ thì tệ hại, nhưng lại thích được học mỹ thuật và âm nhạc một cách cẩn thận. Đáng tiếc, đội tuyển, thi cử và chương trình học kéo mình ra xa hai môn đó. Ngoài ra, nếu bạn giỏi các môn học tự nhiên, bạn có thể lơ là văn học, lịch sử, tiếng anh. Nếu bạn giỏi các môn học xã hội, bạn có thể tạm biệt toán, lý, hoá. Bạn có thể quên đi 11/12 môn học của bạn, và vẫn được điểm tổng kết cao, nếu bạn mang về cho nhà trường huy chương vàng, huy chương bạc trong kỳ thi quốc tế hay khu vực nào đó.


  • Favortisim. Ở lớp chọn, hoặc là bạn đứng hàng top, hoặc là bạn chẳng là ai cả. Những đứa thuộc hàng top có những ưu tiên mà người khác phải thèm thuồng, ví dụ: đi học muộn tuỳ ý, quậy phá tuỳ ý, được các bạn nữ (nam) trong lớp ngưỡng mộ hoặc được bố mẹ mang ra làm hình mẫu cho con mình noi theo. Những đứa còn lại, xin chúc mừng, bạn đã rơi vào “vùng đất xám,” ở đây ai cũng như ai, cũng bị phạt khi đi học muộn, bị trừ điểm khi quậy phá, bị bố mẹ mắng: “Sao mày không học được như thằng A,B,C nhỉ?.”


  • Prejudice. Nhờ cái tên của lớp/trường bạn đang học, bạn bị ngưỡng mộ/ ganh ghét một cách vô lý. Khi đi học thêm tại một lớp học có những người bạn ở các lớp học khác, hoặc trường khác trong thành phố mà không được xếp hạng cao như trường bạn, bạn sẽ nhận được những câu như thế này này: “ôi, cậu giỏi quá,” “Trường bạn tuyệt thật đấy,” hoặc “Các bạn lớp cậu chắc học suốt ngày.” Trong suốt những năm học cấp 3, mình đã phải giấu cái mác “chuyên Toán” đi để tránh bắt gặp những ánh mắt ghen tị, những lời nói chót lưỡi từ những người bạn đến từ các trường khác. (Hoặc lắm lúc nói đại là mình học trường XYZ nào đó.)


Khi mình vào học trường chuyên hay lớp chọn, cả nhà tự hào vì mình. Khi mình không được giải trong các kỳ thi, cả nhà coi đó là “tội.” Mẹ bắt mình đi học tất cả các lớp học thêm mẹ tin là tốt, với hi vọng mình sẽ vào được trường điểm của thành phố. Nhiều lúc mình tự hỏi, nếu cho mình làm lại quá khứ, liệu mình có chọn học đêm ngày để vào lớp chọn, trường chuyên không? Câu trả lời là “Không!” Nếu quá khứ có thể viết lại, mình sẽ chọn lớp bình thường, trường bình thường, nhưng lăn xả vào cuộc đời, kinh doanh và đi du lịch. Vậy mình tốn 12 năm của cuộc đời để làm gì vậy? Để đem lại cái thứ gọi là “danh vọng” cho bố mẹ à? Hay để thoả mãn cái tính thích ganh đua, nhỏ nhen của bản thân? Câu trả lời cho điều đó gói gọn trong 1 chữ: Duy nhất. Xung quanh mình, hầu như ai cũng bảo vào trường chuyên, lớp chọn là cách duy nhất để có được sự giáo dục tốt, rằng những đứa trẻ ở các trường, các lớp khác là những đứa trẻ lười học, ham chơi, tương lai chúng nó sẽ chẳng ra gì.


Ôi, nực cười cho cái thang điểm đánh giá trẻ con đó. Đáng buồn cho hai chữ “thành công,” và “tự hào.”


Cũng may là bây giờ mình đã tìm được một người thầy mình muốn nói lời cám ơn vào ngày 20/11. Mình không còn phải cạnh tranh với ai để vào được lớp chọn, để được hưởng một nền giáo dục “đẳng cấp” nữa.


Con xin cám ơn trời phật, kiếp sau con xin hứa sẽ tu thân, tích đức ạ.

No comments:

Post a Comment